Cố thi-sĩ NGÔ-TRỌNG-HIẾN, bút danh là CHÀNG NGÔ, sinh ngày 08-03-1912 tại làng Đáp-Cầu, Huyện Võ-Giàng, tỉnh Bắc-Ninh, Bắc Việt, trong một gia đình vọng tộc khoa bảng. Ông nội ông là cụ Thượng Ngô-Trọng-Tố, đậu Cử nhân năm Quý-Mão (1843) và là Tam Nguyên Tổng-Đốc (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dưới thời vua Thành Thái (1892, 1893).

Thi-sĩ mất mẹ năm 4 tuổi, rồi mất cha năm 8 tuổi. Mẹ già ông rất thương yêu ông, nhưng vì gia đình trở nên xa sút, bà phải lặn lội ngày đêm buôn bán kiếm tiền, đành phó mặc sự nuôi nấng ông cho các con bà, tức là những anh chị cùng cha khác mẹ với ông. Và cuối cùng, không chịu nổi sự hành hạ quá đáng của bà chị cả, ông đã bỏ nhà ra đi vào năm vừa 14 tuổi, bôn ba cầu thực trong nhiều năm tại khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Nhờ thông minh, có nghị lực và chịu khó, ông đã vượt mọi khó khăn ban đầu, dù phải làm cơ cực đủ mọi nghề. Bao nhiêu tiền kiếm được, ông dành mua sách vở để tự học hỏi. Vì vậy, tuy ít được học ở trường, ông đã tự học rất thành thạo đủ ba môn Việt, Hán và Pháp văn. Ngoài ra, ông có tài làm tính nhẩm rất nhanh và chính xác, nên trong những năm làm việc trong sở than Hongay của người Pháp ở Quảng Ninh, ông được bạn đồng nghiệp và ban giám đốc đặt cho một biệt hiệu là “Hiến, le mathématicien”! Chính cái tính toán mau lẹ này đã là một phần không nhỏ giúp ông thành công rực rỡ trong thương trường trong những năm sau này.

Ông rất yêu thơ và biết làm thơ rất sớm. Lúc còn trẻ, ông đã làm thơ rất nhiều và có thể làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào: vui cũng làm thơ mà buồn ông cũng làm thơ; bước năm bẩy bước là xong một bài thơ, như người ta thường nói. Rất tiếc là thơ ông làm hồi chưa lập gia đình, trong cái tuổi làm thơ hay nhất của đa số thi nhân, ông đã làm chỉ để mua vui cùng bạn bè trong làng thơ mà không hề cho phổ biến trong quần chúng.

Năm 1934, sau khi đã thỏa chí tang bồng khắp ba miền Bắc Trung Nam, ông tạm dừng bước giang hồ và mở trường dạy học trẻ con ở vùng Thượng Lý, gần Hải Phòng. Ở đây, ông đã gặp người yêu đầu đời của ông, cô Đỗ Thị Vinh, cũng mở trường dạy học và cũng là người yêu thơ như ông. Hai người yêu nhau và quyết định lấy nhau, dù có sự ngăn cản quyết liệt của bà mẹ và anh trai của cô Vinh, vì họ đã ngắm cho cô một ông thẩm phán giầu có ở Hải Phòng. Sau ba năm theo đuổi, cuối cùng thì một đám cưới cũng đã xẩy ra. Ngày cưới, bên nhà gái chỉ có bố cô dâu tới dự. Vì ngượng và tuyệt vọng, cô Vinh lâm trọng bịnh và mất khoảng chín tháng sau ngày cưới.

Trở thàng góa vợ năm mới 25 tuổi, thi nhân lại tiếp tục bước giang hồ, ăn chơi đàn đúm thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè. Mẹ già ông hay được và lặn lội đi từ Đáp Cầu về tới thị xã Hongay, nơi ông đang tạm trú, gặp ông để khuyên bảo, vì bà đã ngắm nghé cho ông một cô vợ con nhà gia giáo, rất sứng với ông. Vì thương mẹ già, cuối cùng ông đã chấp thuận lập gia đình lần nữa, năm ông 30 tuổi. Vợ ông năm đó 19 tuổi, tên là Vũ Thị Nhung, con gái riêng của cụ Vũ Đình Hiên, một cựu thương gia giầu có ở Đáp-Cầu.

Sau đám cưới, vợ chồng ông quyết định rời Hongay về sinh sống ở Hải Phòng. Năm 1946, khi ông bà vừa có đứa con trai thứ ba thì chiến tranh bùng nổ dữ dội giữa thực dân Pháp và Việt Minh ở vùng cảng. Hai ông bà cùng ba con nhỏ và một người giúp việc phải bỏ Hải Phòng, nhà cửa và đồ đạc, tản cư về hậu phương. Vì không nghĩ chiến sự kéo dài lâu, hai ông bà chỉ mang tối thiểu quần áo giầy dép và bình đun sữa cho đứa con trai mới đẻ. Nhưng khốn thay, chiến tranh càng ngày càng lan rộng, và gia đình ông bà mỗi ngày một rời xa Hải Phòng thêm, quần áo, dầy giép phải dần mòn bán đi để có tiền mua gạo.

Năm 1948, gia đình ông tạm trú ở làng Hành Thiện, tỉnh Thái Bình. Ông mưu sinh bằng cách hàng ngày đi lùng mua những gì dân làng cần, mua đi bán lại sống qua ngày. Một hôm, ghé qua phủ Xuân-Trường, tình cờ thi nhân gặp một tiệm thuốc Nam, cũng của dân tản cư vừa mở trông cũng khang trang. Ghé lại gần, mới hay chủ nhân là một góa phụ còn xinh đẹp, và bốn cô con gái đều như là tiên nữ giáng trần. Cô chị cả vừa ngoài đôi mươi, cô em út cỡ đôi tám. Cả bốn cô đều thích tán gẫu chuyện văn chương thi phú, nên thi nhân mới có dịp làm quen. Tiếng xét ái tình đến với thi nhân khi trò chuyện cùng cô chị cả và thi nhân đã đặt cho nàng một tên gọi riêng cho mình là “Vương-giả Hương-Lan”. Cũng biết đây chỉ là yêu đơn phương vì mình đã có gia đình và còn rất thương yêu vợ con, nhưng thi nhân vẫn nhiều lần lăn lội gió mưa nghé qua nhà Vương-giả Hương-Lan chỉ để trông thấy người trong mộng từ xa cho thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng rồi, chỉ vài tháng sau khi làm nghề mới là mua thuốc từ nhà nàng Thơ để mang đi bán rong từ phủ này qua huyện khác để mưu sinh là một và cũng để có dịp gặp người đẹp là hai, chuyện không hay đã xẩy đến: gia đình nàng đột ngột rời khỏi Xuân Trường, đi đâu thi nhân đã cố gắng dò hỏi nhưng lùng không ra.

Năm 1950, thi nhân mang gia đình về lại Hải Phòng với hai bàn tay trắng. Nhà cũ đã bị Việt gian theo thực dân Pháp tịch thu. Nhờ người bạn cũ cho tá túc ít lâu, đủ thời giờ cho thi nhân viết xong cuốn thơ trào phúng lấy tên là “Khấn Ô Tô”. Có óc kinh doanh, vốn in cuốn thơ này hoàn toàn do tiền thu được từ quảng cáo in trong sách. Thi nhân cho người đi bán sách mua vui cho hành khách xe đò đi từ Hải Phòng ra Hà Nội. Tiền lời từ cuốn thơ đủ để thi nhân mở một tiệm sách nhỏ tên Như Ý ở đường Cát Cụt. Có bé mới xé ra to, chỉ ba năm sau, Như Ý đã biến từ một tiệm sách bán lẻ trở thành nhà phát hành sách cho thành phố Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Trung nữa. Lúc đó, hầu hết các nhà xuất bản đều tập trung ở Hà Nội hoặc Saigon. Cũng không may cho thi nhân, năm 1953, bà Nhung vợ ông bị té cầu thang trong khi mang bầu đứa con thứ sáu. Thi nhân lại một lần nữa góa vợ. Năm 1954, thi nhân tục huyền. Bà vợ mới tên Tô Thị Đoan. Năm 1954 cũng là năm Việt Minh thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, đưa đến hiệp định Genève, phân chia Việt Nam thành hai phần Bắc, Nam với ranh giới là sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17.

Nhà Như Ý ở Hải Phòng rao bán nhưng không ai mua, thi nhân đành phải cho không, và mang gia đình di cư vào Nam với hai bàn tay trắng lần nữa năm 1955. Cũng may cho thi nhân, một số đại lý cũ của ông chịu trả lại cho ông những tiền thiếu cũ khi mua sách của Như Ý ngoài Hải Phòng. Ông đã có đủ vốn để tiếp tục kinh doanh sách báo và mở lại tiệm Như Ý trên đường Võ Di Nguy, quận Phú Nhuận, Saigon. Năm năm sau, Như Ý đã bành trướng rất mau, từ một tiệm bán sách lẻ, trở thành nhà tổng phát hành, rồi nhà xuất bản. Có thể nói là trong những năm từ 1960 tới 1975, không một học sinh trong toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa nào mà không dùng ít nhất là một cuốn sách do Như Ý xuất bản hay phát hành. Từ đầu năm 1970, Như Ý chính thức trở thành nhà xuất bản sách lớn nhất Việt Nam Cộng Hòa. Như Ý đã có nhà in riêng để tự in sách cho mình chứ không phải qua nhà in ngoài như đại đa số những nhà xuất bản nhỏ khác.

Trong những năm kinh doanh sách báo, thi nhân hầu như rất ít làm thơ. Nhưng ông vẫn tiếp tục gặp gỡ đều đặn với các bạn thơ cũ, nhất là với thi sĩ Tần Nguyên (Nguyễn-Văn-Tân), nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vạn An, thi sĩ, nhà báo Thạch Kê (Hà Thành Thọ), nhà thơ Tam Lang (Vũ Đình Chí), nhà văn, nhà báo Băng Dương (Bùi Nhung) v.v… Gặp nhau chỉ để ôn cố tri tân. Sự nghiệp thi văn của ông Ngô-Trọng-Hiến coi như là đã đi vào lãng quên và chính thi nhân cũng không lấy làm bận tâm. Năm 1955, ông cùng ông bạn Tần Nguyên có viết chung cuốn “Mộng Cố Hương”, một tập thơ tỏ tình lưu luyến quê hương miền Bắc. Cuốn thơ này có lẽ đã không được hai tác giả cho xuất bản.

Nhưng có ai đoán được chữ ngờ ! Khoảng cuối năm 1974, dù không muốn đi, nhưng vì quá nể bạn, thi nhân đã đi nghe diễn thuyết tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, và tình cờ Vương-giả Hương-Lan cũng có mặt. Cuộc hội ngộ bất ngờ đã làm thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của thi nhân rất nhiều, kể từ lúc gặp lại “người trong mộng”. Hai mươi sáu năm đã qua đi, giờ đây Chàng đã 62 tuổi, vợ con đầy đàn, và là một thương gia thành đạt. Nàng dù đã ngoài 50 nhưng vẫn còn là một đóa hoa trên cành chưa có người hái. Rồi, cũng như bao thi hào khác, động lực khiến họ làm thơ thường phải là một bông hồng quá ấn tượng ! Thi sĩ Chàng-Ngô đã cầm bút trở lại ngay sau cái buổi hội ngộ cùng Vương-giả Hương-Lan. Ba tháng sau, cuốn trường thi “Đường Tơ Chưa Dứt” đã hoàn tất.

Khác hẳn với cả cuộc đời làm thơ từ trước, thơ làm ra chỉ để mua vui cho riêng mình và bạn bè trong làng thơ thân quen, lần này thi sĩ đã quyết định cho xuất bản cuốn trường thi vừa mới viết của mình. Nhà báo Nguyễn-Vạn-An cho hay là Đường Tơ Chưa Dứt có tất cả trên 3200 câu thơ, trong đó có khoảng 800 câu tác giả đã sáng tác ra để tâm sự riêng với Vương-giả Hương-Lan, nhưng không có viết ra trong bản thảo nộp cho hội đồng kiểm duyệt để có giấy phép xuất bản. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã kiểm duyệt và loại bỏ 240 câu. Cuối cùng trường thi Đường Tơ Chưa Dứt của thi sĩ Ngô-Trọng Hiến đã được xuất bản lần thứ nhất bởi nhà xuất bản Như Ý trong tháng 4, năm 1975, với 2170 câu thơ trong nhiều thể loại.

Trong khi chờ đợi giấp phép xuất bản cuốn “Đường Tơ Chưa Dứt, ký sự bằng thơ theo dòng lịch sử”, thi-sĩ Chàng-Ngô tiếp tục sáng tác thêm hai trường thi khác nữa, một cuốn lấy tên là “Rạch đôi Sơn-hà”, cuốn kia tên là “Gió Lốc”. Hai cuốn này được quảng cáo là “Cùng một tác giả sẽ ra tiếp” trên trang bìa sau của cuốn “Đường Tơ Chưa Dứt”, nhưng cho tới nay, vẫn chưa thấy lộ diện.

Sau 30 tháng 4, 1975, miền Nam đổi chủ. Nhà xuất bản Như-Ý ngưng hoạt động. Vài triệu cuốn sách đang có đâm lỗi thời và phải mang sé dần cho bán đi làm giấy vụn. Sau đó, chính quyền Cộng Sản đã cho tịch thu toàn bộ tài sản của ông Ngô-Trọng-Hiến gồm trụ sở nhà xuất bản Như Ý, một ngôi nhà 3 tầng lớn nhất trên đường Võ Di Nguy lúc đó, tất cả đồ đạc bên trong, xưởng in cùng 7 ngôi biệt thự trong khu “Chợ Ga” trên đường Trương Tấn Bửu, mà trước đây ông đã cho xây để sau này chia cho các con. Hơn thế nữa, ông và cả gia đình bị buộc phải rời khỏi Saigon để về khu “kinh tế mới”. Cũng còn may cho ông là lúc đó, người con trưởng của ông, tiến sĩ kỹ sư Ngô-Trọng-Hùng, đã từ Toronto, Canada, xin về nước được, và đã điều đình qua trung gian của ban giám đốc trường Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ, mà ngày xưa ông Hùng đã là cựu sinh viên trước khi sang du học ở Canada năm 1961. Và cuối cùng là gia đình ông Hiến đã được ở lại Saigon, trong một ngôi biệt thự cũ của mình.

Sau ngày Giải-Phóng, nhờ có hai người con đi du học ở Canada từ thời tổng thống Ngô-Đình-Diệm và đang định cư ở nước này, hàng tháng gửi tiền về giúp đỡ gia đình nên thi nhân không còn phải bận tâm tới vấn đề kinh tế cho gia đình còn kẹt lại. Nhà thơ Ngô-Trọng-Hiến đã dùng thì giờ nhàn rảnh đem hết tâm sức ra sưu tầm tra cứu với tinh thần sáng tạo mới mẻ viết được những cuốn “Tiếng Hát Đồng Quê”, “Kinh Thi Việt Nam”, “Những Câu Đố Cổ Truyền Việt-Nam”, dài tổng cộng trên 3000 trang đánh máy.

Tiếng Hát Đồng Quê là tập “Ca-dao Việt-Nam chọn lọc” và đặc biệt là tổng hợp được những câu Ca-dao phổ thông trong dân gian ghép chung vào vài chục câu, tạo thành được một bài thơ nhất khí uyển chuyển có chủ đề, có nhạc vận, có hấp dẫn tính, có tư tưởng phát lực.

Ngoài ra, Tiếng Hát Đồng Quê thật là một văn phẩm có một giá trị đặc biệt, một công trình văn học độc đáo. Không thể một vài dòng nói lên được cái giá trị độc đáo ấy. Phải đọc, phải thấy, mới khái-niệm được cái công phu sáng tạo kỳ diệu của tác giả. Chính vì cái độc đáo đó, mà cựu Ngoại-trưởng, cựu Khoa-trưởng Đại-học Luật Khoa Vũ-Văn-Mẫu thời Đệ Nhất Việt Nam Công Hòa, dù chỉ được một người bạn cho đọc ké bản thảo, cũng đã tự nguyện viết “Cảm-nghĩ” của mình về cuốn sách và gửi đến tác giả (Cụ Vũ-Văn-Mẫu dùng bút hiệu mình là “Giáo-sư Toan-Ánh” trong bài viết gửi cho tác giả).

“Những Câu Đố Cổ Truyền Việt-Nam” cũng là một tuyệt tác văn học nữa của thi-sĩ Ngô-Trọng-Hiến. Những câu đố cổ truyền Việt-Nam thường là những câu thơ dân gian hai, bốn, sáu hoặc tám giòng. Trong sách Tục Ngữ Phong Dao của cụ Ôn Như Nguyễn-Văn-Ngọc, cụ Ngọc cũng viết giải đáp cho những câu đố, nhưng chỉ với vài chữ ngắn gọn: “đó là cái nhà”, “đó là người ta”, “đó là cái gầu” v.v.. và người đọc, nhất là những em bé, thực sự không thể hiểu nổi vì sao lại có được lời giải đáp như thế. Tác giả Ngô-Trọng-Hiến đã dùng sự hiểu biết của mình qua nhửng năm lăn lộn khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; những kiến thức đọc rộng biết nhiều, và nhất là tài làm thơ của mình để phụ giảng những câu đố bằng những bài thơ giải thích rành mạch tại sao nó là “cái nhà”, hay “người ta”, hay “cái gầu” v.v… Có những bài giảng đố của ông dài tới cả trăm câu thơ, dù rằng câu đố chỉ vỏn vẹn có hai hay bốn câu. Cuốn sách “Những Câu Đối Cổ Truyền Việt-Nam” cũng có thể được coi là một trường thi nữa của thi-sĩ Ngô-Trọng-Hiến.

Nhà thơ Ngô-Trọng-Hiến cũng là một cây bút trào lộng, thường viết thơ trào lộng có tính cách thời sự, dưới bút hiệu Chàng-Ngô, đăng trên các báo hàng ngày ở Saigon sau 1975.

Rất tiếc, trong khi sự nghiệp văn học của ông đang trên đà phát triển, ông lâm bệnh nặng và từ trần tại tư gia, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 03, tháng 09 (âm lịch), năm 1986, hưởng thọ 75 tuổi. Ông đã chỉ lo miệt mài sáng tác, mà không thiết gì lắm tới việc trình làng những tác phẩm của mình, nên cho tới khi ông hấp hối, các tác phẩm viết sau 1975 của ông vẫn chưa được xuất bản. Đây là một biểu lộ về đức tính khiêm tốn, không màng danh vọng, của nhà thơ. Ở bên thi-sĩ trong lúc lâm chung có người vợ thứ tư của ông, bà Ngô-Thị-Thịnh, cùng 3 cô con gái út. Tất cả con lớn của thi-sĩ lúc đó đều đã định cư ở Canada và Mỹ.

Năm 1990 , 1991 và 1992, qua sự giúp đỡ của người anh họ, giáo sư Ngô-Quang Chương, người con trai trưởng của thi-sĩ, ông Ngô-Trọng-Hùng đã cho Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam xuất bản 3 cuốn : Tiếng Hát Đồng Quê tập 1 và tập 2, Kinh Thư Việt Nam tập 1. Năm 2023, người con thứ của thi sĩ, ông Ngô-Trọng-Cường, cho tái bản tại Toronto, Canada cuốn Đường Tơ Chưa Dứt (trong đó ông có cho xuất hiện 240 câu thơ đã bị kiểm duyệt trước đây) và xuất bản cũng tại Toronto, cuốn Những Câu Đố Cổ Truyền Việt Nam.